Chuyển họa thành phúc
Lama zopa Rinpoche
Tuệ Dung dịch
Trí Hải hiệu đính
CHƯƠNG 4: LỖI LẦM CỦA GIẬN DỮ VÀ HAM MUỐN
Giận dữ hành hạ bạn hệt như đống than hừng hực cháy trong tim; Càng đòi hỏi thì càng bất mãn.
Qua những kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày, ta thấy không thể có được an lạc khi không làm chủ tâm mình, mà để cho giận dữ nổi lên. Nhưng đời sống hàng ngày của bạn được an vui nếu bạn có thiền định và áp dụng vào những phương pháp tuần tự đưa đến giác ngộ, và kiểm soát tâm nhờ thực hành nhẫn nhục, từ bi. Nhất là gặp những lúc ngặt nghèo dễ khiến tâm ta rối loạn, phát sinh ý nghĩ bất lương, thì việc kiểm soát tư tưởng là điều hết sức cần thiết.
Khi cơn nóng giận vừa ló dạng, bạn phải tức khắc nhận ra nó và nhớ ngay đến tai hại của nó. Giận dữ không đem lại một chút lợi ích hoặc an lạc nào đến cho bạn hoặc cho ai khác. Nó chỉ gieo tai hoạ, làm cho bạn khổ sợ và khó chịu ghê gớm. Một khi cơn giận đã tung hoành trong tâm bạn được rồi, nó sẽ trở nên quen thuộc với bạn, và sau đó, mỗi khi gặp việc tương tự, cơn giận dữ lại nổi lên. Nếu bạn không tu tập để đối phó những chướng ngại, thì mỗi lần bực tức nổi lên, bạn lại tạo thêm một thói quen trong tâm, làm cho bạn càng ngày càng dễ nổi giận.
Sân giận làm mê mờ tâm trí khiến bạn có một cuộc sống bất hạnh. Nó có thể làm thân bạn đau đớn, có khi còn làm tánh mạng bạn lâm nguy. Khi nổi sân, bạn bị bất an và làm cho người khác sợ hãi và bất an theo bạn. Bạn có nguy cơ phá huỷ hạnh phúc lẫn tài sản của mình và của người; có khi bạn lại còn hại đến tâm, thân cho đến sinh mạng của người ta nữa. Lửa sân càng lớn, bạn càng nghĩ đến chuyện phá hoại. Bạn chỉ muốn đập phá ngay tức khắc cái đối tượng làm bạn nổi sân. Và một khi bạn đã khởi lên ý nghĩ như thế, thì bạn chỉ cần một giây lát để đập phá, thậm chí giết người. Chuyện này xảy ra rất nhanh - chỉ trong một tích tắc mà thôi.
Sân giận gây tai hại lớn cho bạn và mọi người trong đời này, hết ngày này sang ngày khác. Nhưng chưa hết đâu, nó còn liên tiếp gieo sóng gió gấp trăm lần trong những đời kế tiếp. Nó tiêu diệt công đức, trở ngại sự giải thoát, làm cho tâm mất hết sáng suốt. Như khi tim ngừng đập thì sự sống chấm dứt, lửa sân nổi lên sẽ tiêu diệt mọi công đức và cắt ngang nhựa sống của sự giải thoát. Không có tim thì không có sự sống; không có công đức thì không có hạnh phúc, không có giải thoát, không có hạnh phúc tối thượng của sự toàn tri.
Lửa sân tai hại ghê gớm. Bạn không cần phải nghĩ đến sức tàn phá của nó trong những đời kế tiếp mà chỉ cần nghĩ đến cái độc hại của nó trong đời này cũng đủ rồi. Chỉ mới trong đời này mà cơn giận của bạn cũng đã gây đau khổ cho biết bao người.
Pháp đối trị sân giận là sự nhẫn nhục. Thế nhưng, chính ý tưởng giận dữ lại không thực hành được nhẫn nhục hoặc nghĩ đến tai hoạ của lửa sân. Cần phải có một ý tưởng khác để nhắc bạn nhớ đến sự tàn phá của lửa sân, khiến bạn thực hành nhẫn nhục. Nhờ áp dụng thiền định và các phương pháp tuần tự đưa đến giác ngộ, nhất là pháp chuyển tâm của Đại thừa, bạn mới có thể thực hành nhẫn nhục. Lúc ấy mới có sự bình an, buông xả, và hạnh phúc trong đời sống.
Lửa sân hừng hực như than hồng rực cháy trong tim bạn. Nó biến người đẹp thành người xấu khủng khiếp. Những gì đang êm ả, dễ thương, an lạc biến thành u tối, xấu xa, kinh hoàng. Nhưng ngay khi bạn áp dụng giáo lý và thực hành nhẫn nhục, thì lửa sân liền tắt ngúm, cả đến vẻ ngoài của bạn bổng dưng biến đổi. Bạn trở nên an hoà thanh thản và lòng bao dung, dễ mến của bạn khiến người khác vui lây.
Khi thèm khát một cái gì thì tâm ta không được an lạc, không được thảnh thơi, hệt như lúc ta nổi sân vậy. Ta luôn cảm thấy thiếu thốn một cái gì. Nếu tự xét tâm mình mỗi ngày, ta sẽ thấy luôn luôn có cái gì chưa ổn. Dù bạn cố tìm vui ở khắp mọi nơi như đến sống ở thành phố hoặc lên núi chơi, đi tắm biển hoặc ra công viên hóng gió; dù bạn cố nhâm nhi vài món cao lương mỹ vị, diện quần áo đúng mốt, hoặc sắm cho mình thứ gì xịn nhất, hiện đại nhất, bạn vẫn thấy thiếu vắng một cái gì. Dù có nhiều bằng hữu thân thiết lâu ngày, bạn vẫn thấy nao nao trong dạ. Bạn cứ thấy tim mình trống vắng. Bạn không bao giờ thực sự hạnh phúc.
Ngay cả lúc gặp chuyện vui nhộn, nếu nhìn kỹ vào thâm tâm, ta vẫn thấy thiếu một cái gì. Ta không bao giờ sung sướng trọn vẹn. Hãy nhìn lại tâm mình, nghiền ngẫm nó thật kỹ: “ Mình có đang hoàn toàn hạnh phúc chăng?” Không. Vẫn thiếu một cái gì.
Đây chính là lý do vì sao đức Phật dạy, dù có ở tận góc bể chân trời, ta vẫn cứ khổ đau; dù có tìm quên trong thú vui nào, lạc thú ấy cũng là lạc thú của đau thương; dù có bạn đồng hành, bạn ấy cũng là bạn khổ đau.
Bao lâu ta còn chạy theo ham muốn, thì không bao giờ có được thoả lòng. Theo đuổi ham muốn có nghĩa là cốt để được thoả mãn, nhưng nó lại luôn luôn đưa đến bất mãn. Mặc dù mục đích chúng ta là có được sự toại ý, song “chạy theo ham muốn” (để được toại ý) lại là một phương tiện sai, nên hậu quả chỉ là sự bất mãn. Khi ta theo đuổi ham muốn, ta không được thoả mãn. Rồi ta lại đuổi theo ham muốn, và ta cũng tiếp tục bất mãn. Ta cố thử thêm lần nữa, và lại không toại lòng.
Chuyện đời của Elvis Presley là một thí dụ điển hình. Vừa rồi khi ghé qua Melbourne tôi được biết chuyện của anh ta. Một hôm khi đang dùng cơm trưa, chúng tôi theo dõi đời sống của Elvis Presley trên truyền hình. Chuyện rất hay. Cuộc đời của anh là cả một bài pháp Lam-rim thiết thực. Anh luôn sống trong lạc thú và kích động. Những ngày cuối của cuộc đời, khi biết mình sắp chết, là những ngày tinh thần anh suy sụp trầm trọng. Bài hát cuối cùng của anh là: “Sao thất vọng cứ đến, khi ta mãi đi tìm?”. Anh đã hát với đôi mắt nhòa lệ trong suốt buổi trình diễn cuối cùng, và hàng ngàn kẻ thần tượng đến nhìn và nghe anh hát hôm ấy đã khóc theo anh. Từ đó anh đã ra đi.
Nếu quan sát bản chất tâm mình khi đang theo đuổi một ước mơ, bạn sẽ luôn thấy thiếu một cái gì. Sự thật là chạy theo ham muốn tự nó đã là đau khổ, tự nó đã là vấn đề. Toàn thể chuyện ấy bản chất chỉ là đau khổ. Đấy là cái khổ lớn nhất trong sinh tử.
Cái gì tạo nên rắc rối và chướng ngại trong đời sống? Cái gì tạo nên nội chướng, ngoại ma trong sự tu tập tâm linh của bạn? Cái gì khiến bạn không tu tập tới nơi tới chốn? Đó chính là sự ham muốn khát khao mà không được thỏa lòng. Hãy lắng nghe tin tức phát thanh, hoặc xem truyền hình, ta sẽ thấy nguyên nhân của các tai họa chết người đều phát sinh từ nỗi uất ức vì muốn mà không được thỏa mãn.
Nếu quan sát bản chất của tâm mình, phân tích và tự hỏi chính mình, bạn sẽ thấy càng ham muốn, bạn càng không có hạnh phúc thực thụ. Bạn sẽ thấy thiếu thốn rất nhiều. Đời sống của bạn mới vô vị làm sao!
Thật ra, đạt được cái mình mong muốn hay không đạt được, bản chất đều là khổ. Có cũng khổ; không có cũng khổ. Vì không xét kỹ, ta thấy chuyện “có được” điều ta muốn dường như chấm dứt được một vấn đề, nghĩa là cái vấn đề “không có được”. Nhưng khi ấy lại có những vấn đề khác do sự “có được” gây ra.
Khi có được đối tượng ham muốn, ta gán tên “lạc thú” cho cái cảm giác mới phát sinh, khi giác quan tiếp xúc với đối tượng ham muốn. Nhưng nếu cứ tiếp tục nhìn mãi, thì sớm muộn gì cảm giác “lạc thú” đó cũng trở thành chán ngấy, gọi là “khổ khổ” và nó dần trở thành một cái gì không thể chịu nổi.
Khi chưa nhận ra để gán cái tên “khó chịu” cho cảm giác, khi chưa nhìn nhận nó là “khổ khổ”, thì bạn vẫn gọi kinh nghiệm cảm giác đó là một khoái lạc, vì bạn đã gọi nó là “khoái lạc” nên cảm thọ ấy được xem là khoái lạc lại còn như thể tự nó là dễ chịu thực. Nói cách khác, dù cảm thọ ấy có được đặt tên là “khoái lạc”, nó cũng chỉ tự nó phát khởi mà thôi.
Khi có sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng để phát sinh cảm giác mà ta gọi “lạc thọ”, thì chẳng mấy chốc ta sẽ thấy trở thành khổ thọ, khi sự tiếp xúc kéo dài. Chỉ là vấn đề thời gian; bởi vậy, lạc thọ đó kỳ thực cũng chỉ là đau khổ.
Khi ngũ uẩn – do nghiệp và vọng tưởng tạo ra - gặp một đối tượng, 3 cảm thọ liền phát sinh. Đầu tiên là khổ thọ, mà thông thường ta xem là rắc rối. Kế đến là lạc thọ, mà suy cho cùng chỉ là khổ, sở dĩ ta lấy làm vui vì chưa phân tích kỹ. Và cuối cùng là bất khổ bất lạc thọ, cảm giác không khổ không vui, mà thực chất cũng là khổ, vì ngũ uẩn vốn đã ô nhiễm vì nghiệp và vọng tưởng. Khi chưa thoát khỏi nghiệp và vọng tưởng trói buộc ta vào năm uẩn trong sinh tử thì ta vẫn còn khổ dài dài, bởi vì mọi cảm giác phát sinh do tiếp xúc đối tượng đều thuộc bản chất khổ đau.
Chạy theo dục vọng là nghiệp, vì nó tạo một dấu ấn trong dòng thức tương tục, làm bạn tái sinh luân hồi trở lại. Rồi, do sự khống chế của nghiệp và vọng tưởng (từ kiếp này) ta lại kinh qua đau khổ trong kiếp sinh tử tương lai ấy gọi là hành khổ (pervasive suffering). Rồi ta lại kinh qua khổ khổ, hoại khổ, là nổi khổ do thay đổi, do trong sinh tử chỉ có lạc thú nhất thời. Đây là cái họa lâu dài của việc theo đuổi ham muốn. Bao lâu còn chạy theo ham muốn, thì ta vẫn còn kinh qua những nổi khổ bất tận trong sinh tử.
Tóm lại, ngay cả cái cảm giác mà ta gọi là “khoái lạc” khởi lên khi tiếp xúc với một đối tượng ham muốn, chính nó cũng chỉ là đau khổ. Vì không phân tích bản chất của cảm thọ, vì tâm bị ám ảnh (bởi dục vọng), ta gán cho cảm giác ấy là “khoái cảm” trong khi thực sự nó chỉ là khổ. Cảm thọ khổ khi ấy đối với ta lại là vui, và ta tin nó là vui thực. Ta bám lấy lạc thú đó, và đối với cái tâm bị bám của ta, thì nó có vẻ như là hạnh phúc thuần túy, thực hữu.
Những rắc rối hoàn toàn do chính tâm bạn tạo ra là như thế đấy.
Khi gặp phải vô số vấn đề rắc rối không chịu nổi, nếu nhận ra được sai lầm của mình là do đuổi theo dục vọng, và ta liền dừng lại, thì ngay lập tức cả núi rắc rối ấy liền sụp đổ.
Thí dụ, khi mãi mê tơ tưởng đến một người đẹp, bạn rất muốn được gần cô ấy. Càng nghĩ đến chuyện được gần người trong mộng bạn càng không thể ngừng ôm giữ hình ảnh cô nàng; trái lại bạn càng bị đắm say nhiều hơn. Bạn không tài nào xóa được giấc mơ hoa.
Thí dụ, khi bạn cứ mãi nghĩ về vẻ đẹp thân thể của một người nào, thì bạn không thể ngăn được lòng ham muốn. Cứ suy nghĩ theo kiểu ấy mà lại cố chấm dứt ái luyến là điều không thể được nó chỉ làm cho bạn càng thêm ràng buộc. Không bao giờ có thể dập tắt lòng ham muốn theo cách ấy.
Óc tưởng tượng càng lúc càng thấy nàng đẹp quá, và bạn càng muốn được gần nàng. Chỉ có tư tưởng ngược lại, xem thực chất của thân hình đẹp đẽ kia là khổ đau, là vô thường, mới có thể làm bạn vỡ mộng.
Có thể bạn nghĩ rằng: “Bao nhiêu rắc rối sao cứ đổ lên đầu tôi mãi?” hoặc “Có ai khổ bằng tôi không!”. Nỗi u ám than thân trách phận này sẽ tan biến ngay lúc bạn dừng lại mọi ham muốn. Do nhận biết căn nguyên của những phiền toái ấy là ham muốn, bạn có thể ngưng theo đuổi dục vọng nhờ một phương thuốc là giáo lý về con đường tiệm tu. Bạn sẽ được thanh thản an vui ngay lúc ấy. Đó là hiện tại lạc trú. Do thấy được lỗi lầm của dục mà bạn hết vấn đề, bạn sẽ hưởng những ngày hạnh phúc và thảnh thơi. Dừng dục vọng là giải thoát.
Trong lễ quy y Tam bảo, lời nguyện quy y Pháp là: “Con xin nương theo sự tự bỏ tham dục, sự tự bỏ cao quý nhất.” Sự từ bỏ tham luyến đặc biệt được nhấn mạnh ở đây, hơn là từ bỏ sân giận hay các phiền não khác, là vì mọi khổ đau đều do ham muốn mà ra. Nếu không từ bỏ ham muốn, ta cứ mãi chịu sinh tử luân hồi.
Cũng như ta không thể dứt lòng tham luyến nếu cứ tô đậm vẻ đẹp của một cái gì, ta càng không thể chấm dứt khổ đau nếu cứ “lấy làm điều” những rắc rối ta gặp. Ta càng xem những rắc rối là khổ, thì chúng càng trở nên không thể chịu đựng. Không thể nào chấm dứt khổ với lối suy nghĩ như vậy, nó chỉ làm cho nỗi khổ của bạn càng lúc càng ê chề.
Thay vì thế, hãy để tâm tự nhiên. Đừng lải nhải mãi: “Chán ơi là chán!”. Đừng bi thảm hóa vấn đề, cứ để tâm được yên. Có thế bạn mới không còn xem chướng ngại là tai họa nữa.
0 comments