Đại Lễ Tết Giáp Thìn Feb 11, 2024

Im lặng và khiêm tốn

Gs. Đại Đức Thiện Minhthienminh

Quyen Duyên ghi chép

Vừa qua tại chùa Long Vân tỉnh Đồng Nai, Phật tử Diệu Thiện 13 tuổi đã được cha mẹ trợ duyên tổ chức lễ dâng y cúng dường chư tôn đức tăng, ni tại bổn tự trong mùa An cư Kiết hạ. Dịp này, Đại đức Thiện Minh- Ủy viên Hội Đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam- Trụ trì chùa Bửu Quang quận Thủ Đức TPHCM đã thuyết pháp về đề tài : ‘’IM LẶNG VÀ KHIÊM TỐN’’.

Nội dung thuyết giảng:

Hôm nay chúng tôi vô cùng hoan hỷ được gia đình thí chủ anh Sơn, chị Phượng mời đến chùa long Vân trong dịp gia đình cúng dường dâng y, trai tăng để thuyết một bài pháp. Trong thâm tâm nghĩ là thuyết pháp cho gia đình anh Sơn nghe thôi nhưng không ngờ đến đây thấy đại chúng đông như vậy. Nhìn các sư cô ở đây Sư thấy có nhiều gương mặt rất quen. Chắc có lẽ là quý vị có học ở trường Cao đẳng Phật học. Sư không biết tên nhưng nhìn thì thấy quen lắm do Sư có đi dạy học ở đó.

Có thể nói hôm nay duyên lành đặc biệt. Sư gặp gỡ quý vị ở đây- những chư tôn đức ni và phật tử trong khoá An cư kiết hạ ở ngôi chùa này. Đức Phật Ngài dạy nơi nào có sự trang nghiêm, thanh tịnh thì nơi đó có thân bằng quyến thuộc. Mừng cho sự hạnh ngộ trong không khí hoan hỷ này. Quý vị hãy vỗ tay chúc mừng cho sự gặp gỡ đặc biệt hôm nay vì chúng ta là bồ đề quyến thuộc với nhau. 

Sư thấy quý vị đông quá thiệt tình cũng không biết nói gì đây. Những vị đang ngồi tại nơi này là những cội bồ đề cây cao bóng cả.

Sáng nay tình cờ nâng chén uống trà trong phòng khách của nhà chùa, ngước nhìn lên tờ lịch hôm nay, ngày 21/7 có một câu nói của triết gia người Pháp là Montaigne: “Im lặng và khiêm nhường là một nghệ thuật trong giao tiếp”. Chúng tôi trầm ngâm trong giây lát để suy nghĩ về những gì ông Montaigne nói, thấy sao nó gần gũi với lời Phật dạy quá chừng. Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca đã dạy cho chúng ta một bài học im lặng và khiêm nhường quá lớn. Đó cũng là một nghệ thuật tu - một nghệ thuật mà dù tập suốt cuộc đời ta cũng không làm hết.

Lúc vào đây tôi thấy một sư cô cúi xuống sửa ba đôi dép của ba nhà sư. Sư cô quay dép cho mũi dép trở ra phía ngoài. Chúng tôi nhìn sư cô trẻ tuổi làm nghĩa cử đó, chúng tôi thấy đẹp quá. Tôi nhìn sư cô rồi liên tưởng đến vị trụ trì ở đây đã có lối giáo dục quá hay, quá đẹp. Một việc nhỏ làm được thì mới làm được việc lớn. Làm việc nhỏ tốt đàng hoàng thì ta sẽ tu tốt, trưởng thành tốt. Cái kiểu im lặng của nhà Phật trong kinh điển đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều.

Im lặng nghĩa là làm thinh. Làm thinh là im lặng. Chúng tôi thuyết pháp là chúng tôi không im lặng. Quý vị nghe là quý vị đang im lặng- đang ngồi nghe pháp. Chúng tôi đang đóng vai đang thuyết. Còn quý vị im lặng. Im lặng đúng chỗ, đúng nơi.

Khiêm tốn là hạ mình xuống. Sư cô hồi nãy đã hạ mình xuống để sửa lại những chiếc dép của người khác. Công việc nhỏ nhưng không phải ai cũng làm được nếu không có giáo dục tốt. Bản tánh tự cao tự đại là liều thuốc độc làm cho chúng ta không tiến xa được, mãi mãi trầm luân sanh tử. Có người nói vui rằng khiêm tốn là vốn của tự kiêu. Nếu mình khiêm tốn đương nhiên nó là nghĩa tốt. Còn tự kiêu ở một chừng mực nào đó nó cũng đúng. Người ta giàu quá, thông minh quá, giỏi quá nên tự kiêu cao.

Trong cuộc sống nếu quý vị biết áp dụng phương pháp im lặng và khiêm tốn thì quý vị sẽ thấy sự mầu nhiệm của nó. Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Các vị thinh văn đệ tử của Ngài cũng vậy. Trong kinh văn kể khi vua chúa là những phật tử đến thăm Đức Phật đã thỉnh cầu Ngài đi thọ trai tăng. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Cách im lặng này bây giờ khó bắt chước. Vì nhiều khi mình im lặng người khác không hiểu. Trong giới luật, Đức Phật cho phép người xuất gia nói chuyện với người thế gian không quá 6 tiếng. Cách giáo dục trong giới luật, trong kinh điển Đức Phật dạy chúng tăng học hạnh im lặng. Chỉ được nói 6 tiếng nói thôi chớ không phải nói 6 tiếng đồng hồ đâu. Ý Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải im lặng vì im lặng sẽ phát sanh trí tuệ và có im lặng thì sự sâu lắng càng cao. Có những trường hợp phải nói nhưng nói đúng lúc, đúng chỗ. Có người cho rằng: “Im lặng là vàng, nói đàng hoàng là hột xoàn, kim cương, nói cương cương có người đánh phù mỏ”. Như vậy cho thấy rằng nói cũng cần phải học, im lặng cũng cần phải học. Ông bà xưa có câu : “Học ăn , học nói, học gói, học mở”. Cho nên chúng ta phải biết khi nào thì im lặng, khi nào thì nên nói. Im lặng là một sức mạnh. Sức mạnh của người tu là im lặng. Im lặng cũng đồng nghĩa với nhẫn nại, nhịn nhục. Sức mạnh của trẻ em là tiếng khóc. Sức mạnh của phụ nữ là nước mắt. Còn sức mạnh của người tu hành là im lặng, nhẫn nhục.

Có một vị Hoà thượng rất nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Mỗi năm Hoà thượng đi Ấn độ một lần để phát học bổng cho các du học tăng. Hầu hết các du học tăng là những nghiên cứu sinh đều đang theo học các chương trình Phật học để lấy bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân. Một lần có một du học tăng quỳ xuống xin Hoà thượng ban cho một lời giáo giới để sách tấn quý Thầy tu tập. Hoà thượng nói: “Người tu có gì đâu mà bí quyết cũng không có gì để giáo giới. Chỉ có điều người tu muốn hành pháp tốt phải lì và liều’’. Nghe Hoà thượng nói vậy những du học tăng bỗng giật mình. Sao phải lì và liều? Thì ra Hoà thượng muốn ám chỉ rằng vì các du học tăng qua đây thì ai cũng học, học, học nên họ là những con mọt sách rất cần mẫn. Cho nên giáo giới gì cũng là dư đối với họ. Hoà thượng nói phải lì và liều chẳng qua là muốn nhắc họ luôn nhớ nhịn nhục. Nếu học cao hiểu rộng mà không biết nhịn nhục, không biết im lặng thì sẽ trở nên vô trí, đường tu vô nghĩa.

Có bảy pháp để trở thành bậc trí thức, trong đó có pháp phải nói hợp thời, nếu mình nói không hợp thời sẽ phản tác dụng. Do vậy càng im lặng, người im lặng càng có sức mạnh lớn, có cái nhìn sâu lắng hơn.

Khiêm tốn là hạnh người tu phải học suốt đời. Khiêm tốn việc tu,việc học, việc giao tế. Càng học cao, hiểu rộng, tu nhiều thì đối với Thầy, huynh đệ, đệ tử, phật tử, người thân v.v… mà tự cao, tự đại, tự kiêu thì mình trở thành liều thuốc độc. Quý vị càng tỏ ra khiêm tốn thì đó là một sức mạnh vô song. Người ta có thể rớt nước mắt vì sự khiêm tốn của mình. Bởi hạnh khiêm tốn luôn giúp ta gần gũi với mọi người chung quanh.

Trong kinh điển Phật giáo có câu chuyện một ông quan được nhà vua tín nhiệm. Làm bất cứ việc gì nhà vua cũng tham vấn ý kiến của vị quan này. Trong triều đình, bá quan văn võ ai cũng nể phục vị quan tài năng và đức độ ấy. Nhưng đôi khi ông quan này nghĩ rằng: không biết người ta kính trọng, nể phục, thương mình, là do mình có những đức tính tốt hay người ta kính nể mình chỉ vì chức quan to. Nghĩ vậy ông bèn muốn làm một cuộc trắc nghiệm. Trong triều có kho báu của nhà vua. Hằng ngày ông quan này đi qua đi lại để thăm dò kho báu của nhà vua. Một hôm ông quan này lẻn vào bên trong kho báu của Vua ăn trộm một số của báu. Người ta bắt được ông với tang vật còn mang theo người. Quá thất vọng về một ông quan bấy lâu nay luôn được ngưỡng mộ, yêu mến, người ta thông tin cho tất cả mọi người biết về hành vi ăn trộm của ông quan và đòi vua phải xử tội ông quan này. Nhà vua rưng rưng nước mắt, hỏi ông quan rằng: “Tại sao khanh lại làm như vậy? Tất cả những gì khanh lấy trộm trong túi đây chẳng đáng là bao so với những gì ta đã cho khanh. Chỉ cần khanh nói cho ta biết hoặc chỉ cần một ánh mắt của khanh thôi ta cũng có thể biết khanh muốn gì và sẳn sàng ban cho khanh nhiều hơn thế nữa. Ta không hề tiếc với khanh bất cứ thứ gì nhưng sao khanh lại đi lấy trộm như vậy?” Ông Quan nói: “Tâu đại vương! Tội lỗi của hạ thần đáng chết. Vua cứ xử theo luật của triều đình. Hạ thần làm như vậy mới hiểu được lòng dạ con người rỏ hơn. Qua việc này hạ thần có được một bài học là người ta thương mình, kính trọng mình, ưu ái mình vì những đức hạnh, nhân cách đáng quý của một con người, chứ không phải do chức quan to của hạ thần. Ngày nay bệ hạ đã thấy được bản chất của sự việc. Nếu người ta kính trọng mình vì những phẩm hạnh cao quý thì một khi đánh mất những đức tính trong sạch đó thì mình cũng mất đi lòng kính trọng nơi mọi người.

Cũng vậy, một người xuất gia luôn có uy tín nhưng nếu vi phạm lỗi lầm sơ đẳng của giới luật thì xuất gia cũng trở thành vô nghĩa. Một người có quyền có chức ở ngoài thế gian mà nếu đi sai đường lạc lối cũng đánh mất đi giá trị bản thân và tước quyền của họ.

Con người phải biết học hạnh khiêm tốn và chân thực. Nếu học cao hiểu rộng mà khinh khi những người chung quanh tự chúng ta sẽ chuốc lấy nỗi khổ, mất đi vầng hào quang. Con người dù nghèo hay giàu nhưng học được hạnh lắng nghe, khiêm tốn, con người đó sẽ có thêm nhiều vầng hào quang. Nói chuyện quá nhiều lại nói những lời vô ích, tự cao tự đắc, hào quang chân thật sẽ biến mất. Giống như câu chuyện ông quan lấy trộm của báu trong kho vua.

Cuộc sống chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải học bài học khiêm tốn. Đức Phật trong kinh kể lại rằng, thời Đức Phật là một vị giáo chủ, tín đồ ai ai cũng biết danh tiếng của Ngài. Tuy nhiên, có khi Đức Phật đi chu du hoằng hoá, đến trú xứ của đệ tử của Ngài Xá Lợi Phất, những người này không biết Đức Phật là ai. Nghĩa là họ không biết thầy của thầy  mình. Điều đó cho thấy Đức Phật đến với mọi người rất khiêm tốn đến nỗi đệ tử của đệ tử mình cũng không hay biết.

Ở Miến Điện năm 1950 đến 1954 có Đại hội kết tập kinh điển Pali lần thứ 6. Đại hội quy tụ rất nhiều phái đoàn Phật giáo các nước từ khắp nơi trên thế giới về tham dự, trong đó có phái đoàn Phật Giáo Việt Nam. Trong Đại hội này có 6 vị bát thông tam tạng Pali. Những vị hoà thượng tài giỏi này khi đến giờ tiến lên pháp toạ, trong khi đại chúng tăng của các quốc gia ngồi trong sảnh thì các ngài đã đi bằng cách quỳ gối tiến lên phía trước một cách chậm rãi, ung dung, khiêm hạ vô cùng. Chúng tôi có thời gian sống bên Anh quốc tu tập. Trong Giáo hội Tăng già Anh quốc có những vị xuất gia tại Thái Lan cho nên đời sống sinh hoạt tu tập nơi đây cũng có một chút ảnh hưởng của phật giáo Thái Lan. Mỗi lần các vị sư trẻ tuổi đến đảnh lễ các vị đại sư, các vị trưởng lão, khi còn cách khoảng 5 m là các vị sư trẻ đã quỳ lạy Thầy của mình. Hình ảnh trò đảnh lễ thầy đẹp quá.  Chúng tôi nhìn thân tướng trang nghiêm, đẹp đẽ của các vị sư phương Tây mà bỗng rớt nước mắt vì sự uy nghi mà vô cùng giản dị, sự cung kính tha thiết chân thành của đệ tử. Phật pháp nhiệm mầu trong sự im lặng không cùng tận là vậy.

Trong hồi ký của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, ông có viết về một giai thoại mà chúng tôi rất tâm đắc. Có một nhà văn nổi tiếng ghé thăm nhà văn Nguyễn Hiến Lê với mục đích là muốn bàn luận một số vấn đề về giáo dục. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nổi tiếng về dịch thuật và xuất bản hơn 100 đầu sách. Tuy trình độ văn hoá của nhà văn chưa qua đại học nhưng sách của ông thuộc loại “gối đầu giường” của những người trí thức. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết và dịch thuật rất nhiều tác phẩm trong một thời gian không nhiều làm mọi người ngạc nhiên và vô cùng ngưỡng mộ về sức làm việc của ông. Mỗi ngày Nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch thuật và viết khoảng 5 trang giấy A4. Suốt cuộc đời ông dành cho sáng tác văn chương và dịch thuật nên nhiều khi bạn bè của ông cũng không tin ông đã làm việc được như vậy. Ông rất hạn chế việc đi ra bên ngoài mà dành nhiều thời gian ở nhà để làm việc. Trung bình một năm ông xuất bản từ 3 đến 4 tập sách. Việc nhà văn Nguyễn Hiến Lê tiếp xúc với ông nhà văn đang công tác trong ngành giáo dục làm cho mọi người ngạc nhiên bởi lẽ sau khi ra về nhà văn này hết lời ca ngợi ông. Nhưng trong hồi ký của mình, nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết rằng ông dường như đã im lặng lắng nghe nhà văn kia nói thao thao bất tuyệt. Trước khi ra về, nhà văn nổi tiếng kia hỏi ông Nguyễn Hiến Lê rằng: “Ý của ông ra sao?” Nhà văn Nguyễn Hiến Lê nói: “ Ông đã nói và trình bày đầy đủ rồi, tôi cũng không có ý kiến gì, như vậy là khá đủ tốt’’. Một cuộc đối thoại giữa hai nhà văn đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

Người tu là tu tâm. Học lắng nghe cũng là một hạnh của người tu tâm. Nhưng làm sao thực hiện được hạnh lắng nghe , sự im lặng của người khiêm tốn? Vì bản chất của con người là thích nói. Nói những điều mình không biết nhưng vẫn thích nói. Chúng tôi có dịp sống với một vị sư là huynh đệ lớn hơn chừng 20 tuổi. Sống gần với nhau khoảng 20 năm. Vị sư ấy tu hạnh lạc đà. Quý vị biết rằng con lạc đà vượt qua sa mạc dễ dàng hơn những con vật khác vì trên lưng nó có cái gù chứa nước. Con lạc đà suốt đời vượt qua sa mạc nắng gió với cái túi nước trên lưng và sự im lặng nhẫn nại vô cùng. Cũng vậy, người xuất gia tu hành hãy kham nhẫn học hạnh lạc đà. Im lặng mà đi trên con đường tu tập. Cho dù trên đường đi thấy cái này hay, cái kia hay thì cứ để lên vớt mà đi tiếp. Hãy biết rằng chung quanh chúng ta đệ tử, huynh đệ, phật tử v.v… mọi người ai cũng có những cái hay riêng của họ. Mỗi người trước khi xuất gia đều có một cái nghề để sinh sống. Vậy nếu chúng ta biết khiêm tốn, biết lắng nghe, biết im lặng để học hỏi từ những người chung quanh mình những cái hay, cái đẹp của họ thì chúng ta sẽ làm phong phú tâm hồn chúng ta nhiều hơn.

Làm Thế Nào Thực Hành Im Lặng và Khiêm Tốn Tốt:

Quý vị hãy nghĩ cuộc đời vô thường để bớt nói nhiều những chuyện vô ích, tránh những bất thiện pháp để im lặng mà tu. Nghĩ đến vô thường, nghĩ đến cái chết để thực hành cho tốt lời dạy của Đức Phật là mở rộng lòng từ bi hỷ xả với chúng sanh, chớ ghét giận làm chi cho mệt. Quý vị hãy kết bạn với người nào có hạnh im lặng và khiêm tốn để gần gũi và học hai hạnh đó. Bởi họ là những thiện trí thức sẽ giúp ta tiến hoá trên con đường tu tập, chuyển hoá thân tâm ngày càng trong sáng, thiện lành hơn. Đừng ham kết bạn với những người tu chưa thấy đâu vào đâu mà nổ quá chừng hoặc thân cận với các  “bà tám’’ thì cũng mệt cho cái nhĩ căn lắm.

Hạnh im lặng và Khiêm tốn sẽ có nhiều lợi ích:

1. Được những người chung quanh thương mến . Nhắc đến chúng ta là họ kính trọng vì người im lặng, khiêm tốn không làm cho ai phiền não.

2. Chư thiên, chư thần thánh cũng ái mộ người im lặng , khiêm tốn nên sẽ gia hộ. Người ta thường nói chư thiện hộ trì là như vậy.

3. Im lặng, khiêm tốn là hạnh của người tu nên người xuất gia phải luyện tập hai hạnh này.

4. Gieo duyên lành giải thoát và giác ngộ. Nếu không con đường sanh tử luân hồi không bao giờ  ngưng nghĩ.

Hôm nay duyên lành rất đặc biệt chúng tôi được gia đình thí chủ thỉnh thuyết Pháp, đồng thời gặp quý sư cô, phật tử trong khoá tu niệm Phật tại chùa Long Vân.  Chúng tôi hoan hỷ gởi tặng quý vị món quà của sự im lặng và khiêm tốn. Đó là nghệ thuật giao tiếp vô cùng hay và đẹp. Đức Phật cũng từng dạy hai hạnh này cho người xuất gia trong rất nhiều kinh điển để lại.

Cầu mong quý vị có nhiều lợi ích từ món quà này trong cuộc sống xuất gia. Cầu mong quý vị vô thượng an lạc, kiết tường như ý trong chánh pháp, được 5 pháp chúc mừng trong phật giáo là: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

http://phatgiaonguyenthuy.com/news-1577/IM-LaNG-Va-KHIeM-ToN.html

Tags: ,
Thư từ, tin tức, bài viết xin gửi về địa chỉ chuagiaclam@yahoo.com. Để tìm hiểu về Chùa Giác Lâm xin bấm vào đây. Rất mong nhận được sự cộng tác của chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử và độc giả gần xa
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

0 comments

Leave a Reply

» Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [nhận xét], nếu muốn.

» Bấm vào Xem trước [Preview] bên dưới khung nhận xét nếu muốn xem trước comment đã viết, trước khi post [đăng]. Tương tự, bấm vào Đăng ký qua email [Subscribe by email] để đăng ký theo dõi nhận xét của bài này.

» Vui lòng đăng nhận xét hòa nhã đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. Rất vui vì những comment thiện chí, xin cảm ơn!